Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Nhà máy Thuỷ điện Sơn La: Sẽ khánh thành vào cuối năm 2012

QĐND - Thứ Năm, 26/04/2012, 10:56 (GMT+7)

Ngày 25-4, tại Nhà máy Thuỷ điện Sơn La, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì phiên họp 6 tháng đầu năm Ban chỉ đạo Nhà nước (Ban CĐNN) Dự án Thuỷ điện Sơn La, Lai Châu.

Theo báo cáo của Ban CĐNN, sau khi tổ máy 5 chạy không tải thành công sáng 25-4, LILAMA 10 đang chỉnh sửa hoàn thiện các công đoạn còn lại. Dự kiến, cuối tháng 4/2012, tổ máy 5 sẽ chính thức phát điện hoà lưới. Hiện nay, LILAMA 10 đang tiếp tục tổ hợp và lắp đặt tổ máy số 6 bám theo mục tiêu tiến độ phát điện vào tháng 8/2012. Mục tiêu của Dự án là sẽ hoàn thành xây dựng kiến trúc tổng thể công trình trong năm 2012 để nghiệm thu vào cuối năm 2012.

Để chuẩn bị cho công tác hoàn thiện công trình, hiện nay các đơn vị đã hoàn thành đổ bê tông toàn bộ đập dâng. Đang tiếp tục xử lý khoan phun màng chống thấm vai trái phần trên cao trình 180m; thi công hoàn thiện nội thất nhà máy; triển khai thi công các tuyến đường phục vụ vận hành và kiến trúc tổng thể công trình. Công tác hiệu chỉnh, bổ sung thiết kế bảnvẽ thi côngvà dự toán cơbản đáp ứng yêu cầu. Việc cung cấp thiết bị công nghệ đã cơ bản hoàn thành, hiện chỉ còn một số thiết bị của tổ máy số 6 sẽ được cung cấp trong tháng 5-2012.

Công tác quản lý chất lượng công trình sau khi tích nước hồ chứa đến mực nước dâng bình thường cũng đang được thực hiện theo quy định để đánh giá tổng thể về an toàn và ổn định công trình.

Công tác vận hành các tổ máy số 1, 2, 3, 4 và các hạng mục công trình đang vận hành ổn định.Tính đến nay, Nhà máy Thủy điện Sơn La đã phát điện lên lưới được 6,4 tỷ kWh.

Tiến độ thi công các dự án thành phần tại các khu, điểm TĐC cũng đang được đẩy nhanh công tác nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng và quyết toán các công trình đã hoàn thành; hoàn thiện thủ tục để giải ngân vốn theo kế hoạch; đẩy nhanh công tác thu hồi đất, giao đất sản xuất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân TĐC.




Phối cảnh công trình. Ảnh minh họa: internet

Các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu tiếp tục phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và chi trả tiền cho các hộ dân TĐC; thực hiện công tác thu hồi đất, giao đất sản xuất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hỗ trợ sản xuất, đời sống và hướng dẫn xây dựng phương án sản xuất cho các hộ dân tại các khu, điểm TĐC; thực hiện hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc phát triển cây cao su cho hơn 4.000 hộ dân TĐC, xây dựng một số mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hoá và mô nuôi trồng thuỷ sản, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản cho các hộ dân tự tổ chức sản xuất tại các khu, điểm TĐC; giải ngân vốn theo kế hoạch được giao.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều hạng mục đang bị ách tắc, Đó là, vẫn chưa hoàn thiệnhồ sơ ở một số khu, điểm TĐC theo quy định; tiến độ thi công, nghiệm thu, quyết toán các dự án thành phần và các công tác thu hồi đất, giao đất sản xuất và xây dựng phương án chuyển đổi ngành nghề cho các hộ TĐC vẫn bị chậm. Tính đến nay, chương trình đã di dời trên 20 nghìn hộ dân khu vực lòng hồ và không xảy ra khiếu kiện lớn. Tuy nhiên, chung quanh vấn đề nguồn vốn cho các dự án thành phần của chương trình còn khá nhiều vướng mắc, nhất là các dự án thành phần như sản xuất và giao thông. Hầu hết các Bộ, ngành đều về cho rằng vấn đề giải ngân nguồn vốn vay còn rất chậm. Vì vậy, các Bộ, ngành, địa phương đều kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng thương mại cấp nguồn vốn theo đúng cam kết để bảo đảm đúng tiến độ thi công công trình và di dân tái định cư.

Theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban CĐNN công trình thủy điện Sơn La - Lai Châu, tiến độ công trình có được như hôm nay là nhờ sự cố gắng nỗ lực của tất cả CBNV trên công trường, sự hy sinh của người dân đã nhường đất cho dự án. Vì vậy, các địa phương phải hết sức chăm lo cho người dân TĐC có nơi ở mới tốt hơn. Các đơn vị phải quan tâm đến đời sống người thợ.

Về hiện tượng thấm gần đây trên thân đập Thủy điện Sơn La, Phó Thủ tướng cho biết, hiện chủ đầu tư và các bên liên quan đã xử lý nghiêm theo yêu cầu của Hội đồng nghiệm thu nhà nước và việc xử lý đã đạt kết quả. Tuy nhiên, thời gian tới, các bên phải có báo cáo giải trình chi tiết gửi Hội đồng nghiệm thu nhà nước để chỉ rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm.

Phó Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho các Bộ ngành đẩy nhanh tiến độ hoàn thành phần việc của mình. Bộ Công Thương khẩn trương thẩm định và phê duyệt định mức - đơn giá công trình trong quý II/2012. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương xây dựng và thực hiện mô hình sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gắn với di dân, TĐC phù hợp với từng địa phương. Bộ Tài chính phải bố trí đủ vốn theo kế hoạch năm 2012 cho Dự án di dân TĐC.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo các ngân hàng thương mại thanh toán kịp thời khối lượng hoàn thành của Dự án thủy điện Sơn La theo hợp đồng cho vay đã ký với lãi suất đã thỏa thuận với EVN.

Theo Báo QDND

Những vết lõm trên xe tăng 390


QĐND - Chủ Nhật, 29/04/2012, 20:26 (GMT+7)
QĐND-Càng gần đến ngày 30-4, cựu chiến binh Vũ Đăng Toàn càng thấy khó ngủ. Một niềm hân hoan cứ lặng lẽ tỏa lan trong tâm hồn khiến ông thao thức. Không hạnh phúc sao được khi biết tin chiếc xe tăng 390, “chứng nhân” của sự kiện lịch sử 30-4-1975 mà ông là trưởng xe vừa được Hội đồng Di sản Quốc gia thống nhất đề cử là bảo vật quốc gia. Trong niềm vui lớn, ông đã kể cho chúng tôi nghe những mẩu chuyện chưa ai biết về xe tăng 390. 
Một người, một xe cũng tiến công 
Từ trước đến nay, cả nước đều biết đến kíp xe 390 dưới sự chỉ huy của Chính trị viên Vũ Đăng Toàn đã dũng mãnh lao vào húc đổ cánh cổng chính Dinh Độc Lập, yểm trợ cho Đại đội trưởng Bùi Quang Thận xông lên cắm cờ trên nóc Dinh vào lúc 11 giờ 30 phút trưa ngày 30-4-1975, đánh dấu giờ phút toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Nhưng ít người biết, xe tăng 390 đã có một hành trình “ngang dọc” khắp mọi miền đất nước và cả trên Biển Đông, trải qua nhiều chiến dịch ác liệt với không ít “vết thương” trên “cơ thể” cùng những bí mật riêng mà chỉ những chiến sĩ đã gắn bó máu thịt, từng kề vai sát cánh chiến đấu cùng nó mới biết.
Bác Vũ Đăng Toàn kể rằng: Xe tăng 390 đã đi một cung đường rất dài theo hình đất nước. Ngày 4-12-1971, nằm trong đội hình chiến đấu của Trung đoàn 203, xe tăng 390 hành quân từ Vĩnh Phúc, vượt Trường Sơn vào chiến đấu tại chiến trường Trị Thiên khốc liệt. Sau khi trở thành “chứng nhân” của sự kiện lịch sử 30-4-1975, kíp xe 390 có vinh dự được xếp hàng đầu trong Lễ duyệt binh mừng chiến thắng ngày 15-5-1975 tại TP Sài Gòn, rồi tiếp tục tham gia làm nhiệm vụ tại Huế, Đà Nẵng. Năm 1978, xe 390 lại hòa mình vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế trên nước bạn Cam-pu-chia. Đến năm 1979, xe tăng 390 nhận lệnh lên tàu thủy, vượt biển ra Bắc và tiếp tục chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Có thể nói, trong cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, xe tăng 390 luôn có mặt ở tuyến đầu, luôn ở mũi đột kích, liên tiếp lập nên những chiến công huyền thoại. Hình ảnh xe tăng 390 đã trở thành biểu tượng chiến thắng của Bộ đội Cụ Hồ và lực lượng tăng-thiết giáp.
Cũng vì mải miết cơ động, chiến đấu cùng nhiều thế hệ chiến sĩ khác nhau nên năm 1999, khi đến Bảo tàng Lực lượng Tăng-Thiết giáp thăm lại “người đồng đội mang tên 390”, các cựu chiến binh Vũ Đăng Toàn, Ngô Sĩ Nguyên, Lê Văn Phượng và Nguyễn Văn Tập đã “bị” cán bộ, nhân viên Bảo tàng “thử thách”: “Các bác có khẳng định đây chính là chiếc xe đã cùng các bác húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975 không?”. Cả 4 cựu chiến binh cùng trả lời: “Bây giờ có thể chiếc xe đã được sơn mới nhưng nó đã gắn bó máu thịt suốt chặng đường chiến đấu với chúng tôi thì làm sao chúng tôi có thể quên được. Nếu sườn trái tháp pháo vẫn còn 2 vết lõm, sâu khoảng 1cm; phía trên mặt tháp pháo còn vết lõm dài chừng gang tay. Đó là những vết lõm do xe trúng bom, pháo địch. Nếu vẫn còn thì đúng là xe 390”.
Bác Ngô Sĩ Nguyên bổ sung: “Nếu số tháp pháo được đúc nổi trên sườn trái là 61-T-73, phía trái cửa trưởng xe vẫn là dãy số khắc chìm 73776 thì đích thị là 390, chưa hề thay đổi một chút nào”.
Đại úy Mai Thị Ngọc, Giám đốc Bảo tàng cho hay: “Khi chúng tôi mở cửa đưa các nhân chứng đến "gặp" lại chiếc xe, các bác đã òa khóc vì sung sướng. Từng vết lõm, từng số hiệu trên xe đúng chính xác như các bác nói. Đúng là qua bao nhiêu dâu bể của chiến tranh, xe 390 vẫn được giữ gìn nguyên vẹn”. Còn bác Vũ Đình Toàn xúc động: “Những vết lõm trên xe là chứng tích của những trận đánh khốc liệt, nhất là trong trận tiến công căn cứ Nước Trong ngày 29-4-1975. Trong trận đánh ấy, xe chúng tôi trúng rất nhiều bom, pháo địch. Trong trận này, pháo thủ số 2 Đỗ Cao Trường bị thương, vì thế đồng chí Lê Văn Phượng là Đại đội phó kỹ thuật mới lên thay trong những trận đánh diễn ra ngày 30-4-1975. Xe 390 có thể đã thành than tro khi chúng tôi tiến đến cổng Dinh Độc Lập. Trong thời khắc ấy, xe 843 của Đại đội trưởng Bùi Quang Thận húc vào cổng phụ và bị kẹt lại, nên tôi lệnh cho đồng chí Tập húc thẳng vào cổng chính, dù biết có thể hy sinh. Vì chúng tôi biết địch bảo vệ cổng chính bằng hệ thống điện và mìn chống tăng rất kiên cố. Nhiệm vụ của xe 390 là phải mở cửa để đại quân vào chiếm Dinh Độc Lập. Truyền thống của bộ đội tăng-thiết giáp là “một người, một xe cũng tiến công”. Lúc ra lệnh, tôi chỉ nghĩ đến điều đó”.
Đại úy Mai Thị Ngọc giới thiệu với khách tham quan về một vết lõm trên sườn trái tháp pháo xe tăng 390.
Hành trình trở thành bảo vật quốc gia
Dẫn chúng tôi đi tham quan xe tăng 390, Đại úy Mai Thị Ngọc cho hay: “Xe tăng 390 là niềm tự hào của bộ đội tăng-thiết giáp. Bảo tàng Lực lượng Tăng-Thiết giáp là bảo tàng xe tăng “độc nhất vô nhị” ở khu vực Đông Nam Á, cũng là bảo tàng có nhiều xe tăng nhất trên thế giới nhưng điểm thu hút khách tham quan nhất vẫn là xe tăng 390”.
Hình ảnh xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập đã đi vào lịch sử như một biểu tượng của sức mạnh chiến thắng, mãi mãi in đậm trong tâm khảm các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Tháng 1-2011, Binh chủng Tăng- Thiết giáp nhận được Thông tư số 13/2010 của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, quy định thủ tục công nhận bảo vật quốc gia. Cục Chính trị Binh chủng lập tức giao nhiệm vụ cho Bảo tàng lập hồ sơ khoa học hiện vật cho xe tăng 390. Các nhân chứng lịch sử cùng các cơ quan chức năng đã cung cấp nhiều tư liệu, hiện vật có liên quan. Đặc biệt, số lượng những bài báo, bài viết về sự kiện lịch sử ngày 30-4-1975 của báo chí Việt Nam và thế giới góp phần khẳng định giá trị lịch sử đặc biệt của chiếc xe tăng 390. Qua các kỳ họp, bỏ phiếu công nhận của hội đồng khoa học các cấp, Hội đồng Di sản Quốc gia đã bỏ phiếu thông qua đề cử xe tăng 390 là bảo vật quốc gia với các tiêu chí: Đây là hiện vật gốc, độc bản; là hiện vật ảnh hưởng tích cực đến sự kiện trọng đại của đất nước, biểu tượng cho sức mạnh chiến thắng của dân tộc Việt Nam trong Đại thắng mùa Xuân 1975.
Vậy là, sau 37 năm, xe tăng 390 một lần nữa đem lại cho các thành viên kíp xe cùng đông đảo các cựu chiến binh và nhân dân cả nước một niềm vui mới. Đại úy Mai Thị Ngọc cho hay: “Số lượng du khách quốc tế và trong nước, đặc biệt là các cựu chiến binh và học sinh, sinh viên đến thăm Bảo tàng Lực lượng Tăng-Thiết giáp chắc chắn sẽ tăng lên gấp bội khi xe tăng 390 được công nhận là bảo vật quốc gia. Chúng tôi đã có kế hoạch chu đáo để phục vụ sự kiện này”.
Theo Báo QDND

Bốn anh em trong ngày đại thắng



QĐND - Chủ Nhật, 29/04/2012, 20:26 (GMT+7)
QĐND Online - Bốn anh em ruột là bộ đội, cùng đi tập kết và cùng có mặt tiếp quản thành phố Đà Nẵng sau giải phóng là chuyện hiếm. Vậy mà điều đó đã xảy ra ở gia đình dòng họ Nguyễn Bá ở Hoà Liên (Hòa Vang, Đà Nẵng).

Đó là Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát, nguyên Tư lệnh Hải quân, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Hải sản, Đại tá Nguyễn Bá Trình, nguyên Chính uỷ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk, Đại tá Nguyễn Bá Phước, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng (cũ), Trung tá Nguyễn Bá Ninh, trợ lý chính trị Cục Chính trị Quân khu 5. Họ là những người con trai trong gia đình có 7 người con đều tham gia cách mạng và hiện nay đều đã mất. Chị gái Nguyễn Thị Liên tập kết ra Bắc, hai người ở lại là Nguyễn Thị Hạt và Nguyễn Thị Hợi là đều cơ sở cách mạng ở Đà Nẵng. Riêng bà Hạt là thương binh, từng cùng mẹ Nhu, (quận Thanh Khê) nuôi giấu cán bộ và biệt động Đà Nẵng. Đặc biệt, Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát, sinh năm 1921 là vị tướng tài trí. Tên tuổi ông gắn liền những chiến công vang dội ở Liên khu 5 thời chống Pháp và miền Bắc thời đánh Mỹ, cứu nước, có công trong việc đặt nền móng xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học quân sự đợt đầu tiên. Ông được Bác Hồ rất yêu quý, Đại tướng Võ Nguyên Giáp coi ông là người đồng chí thân thiết, luôn tin tưởng mỗi lần giao nhiệm vụ. Tên ông đã được đặt cho một đường phố chính ở Đà Nẵng. Một ngôi trường THCS ở Hòa Liên cũng đã mang tên.
7 anh em trong gia đình: Hàng đứng từ trái qua: Nguyễn Bá Phước, Nguyễn Bá Phát, Nguyễn Bá Trình, Nguyễn Bá Ninh. (Ảnh gia đình cung cấp)


Anh Nguyễn Bá Đức, Phó Bí thư thường trực Quận uỷ Liên Chiểu (Đà Nẵng), con trai duy nhất của Đại tá Nguyễn Bá Phước đã kể về cuộc hội tụ của gia đình lần đầu tiên ở Hà Nội. “Năm 1968, tôi là học sinh miền Nam ra Bắc. Biết ba mình và chú bác ở ngoài ấy nhưng không biết đâu mà gặp. Vậy mà các anh ở trường đã nhiệt tình giúp tôi tìm ra bác Trình. Lúc ấy bác vừa ở Liên xô về. Khi ba tôi từ Vĩnh Phú đến, bác tôi hỏi: “Chú biết ai không? Thằng Đức, con chú đó!”. Ba tôi đã ôm chầm lấy tôi, trào nước mắt. Niềm vui đoàn tụ vẫn chưa hết. Chúng tôi cùng xuống Hải Phòng, ở đây có bác Phát vừa mới đi khảo sát chiến trường ra, cô Liên và cả chú Ninh đi nước ngoài về cũng đang ở. Cái Tết năm đó đặc biệt nhất, anh em quấn quýt không rời, cứ ngỡ như đang ở quê nhà. Có lẽ ít có gia đình nào ở miền Nam ra lại đông đủ thế. Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1976, ngày giỗ đầu tiên của ông nội tôi, tất cả 7 anh em và con cháu lại có ngày đoàn viên. Ai nấy đều rơi lệ khi tưởng nhớ cha mẹ không còn sống mà nhìn thấy con cháu trở về. Hiện nay, ngoại trừ con cháu cô Nguyễn Thị Liên ở Hải Phòng, còn vợ con các chú bác tôi đều ở Đà Nẵng. Phát huy truyền thống gia đình, nhiều người con và rể tiếp tục con đường quân ngũ với hai người mang quân hàm đại tá”.

Ông Nguyễn Duy Nghi, hiện ở xã Vũ Hội (Vũ Thư, Thái Bình), người bạn thân thiết của gia đình, vẫn nhớ như in cái ngày ông là công vụ cho Đại tá Nguyễn Bá Phước, lúc này là Phó Tư lệnh Mặt trận 4, Chủ tịch quân quản Hội An: “Sau khi tham gia giải phóng Hội An, anh Phước ra ngay Đà Nẵng. Vài ngày sau đó, vào buổi chiều, bốn anh em họ đã có một buổi đoàn tụ thật đáng nhớ ở khu gia binh đường Thống Nhất, nay là đường Lê Duẩn. Lúc này, anh Nguyễn Bá Phát là Tư lệnh Hải quân Tiền phương tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban quân quản Đà Nẵng. Anh Nguyễn Bá Trình là Phó Chính ủy trường Sĩ quan Hậu cần từ miền Bắc về, anh Ninh là đặc phái viên chiến trường B của Tổng cục Chính trị cũng đã vào. Tôi còn nhớ, cả bốn người mặc quân phục, đội mũ cối, lần lượt từ trên các xe của đơn vị bước xuống, ôm chầm lấy nhau, cười hể hả. Chiến tranh đạn bom ác liệt, họ vào sinh ra tử là thế mà nhờ hồng phúc cha mẹ, không ai hề hấn gì (và cả sau này họ đều sống rất thọ). Không biết lúc đó các anh ở Tỉnh đội kiếm đâu ra mấy chai bia mà mọi người rót chúc mừng nhau rất vui vẻ. Gặp nhau khoảng một tiếng thì phần ai nấy đi. Anh Phước đi cù lao Chàm, anh Phát đi giải phóng Trường Sa. Sau đó không bao lâu tôi lại chứng kiến bốn anh em trong bộ quân phục về quê Hòa Liên thắp hương gia tiên, hình ảnh ấy thật là xúc động. Họ dựng bia di tích, khắc ghi công lao cha mẹ”.

Theo Đại tá Lê Công Thạnh, nguyên Phó chỉ huy trưởng về Chính trị Bộ CHQS tỉnh (Quảng Nam- Đà Nẵng cũ) thì chịu ảnh hưởng của người cha, cụ đồ nho cũng là thầy địa lý có uy tín trong làng, cả 7 người con giữ nếp gia phong, ăn nói với nhau nhỏ nhẹ, cuộc sống giản dị, là những cán bộ gương mẫu, có uy tín với đồng đội, được mọi người rất kính trọng. Tuy anh em là sĩ quan cao cấp, có nhiều đóng góp cho quân đội nhưng ai cũng chỉ sống trong căn nhà cấp 4. Mong muốn xây lại ngôi nhà trên nền cũ đã bị giặc Pháp phá ở Hòa Liên làm nơi quây quần mỗi khi có dịp về quê vẫn chưa thực hiện được.

Người xưa đã thành thiên cổ, nhưng bóng dáng bốn anh em họ Nguyễn Bá xanh màu quân phục ôm chầm lấy nhau bên bờ sông Hàn sau giải phóng như còn đâu đây trong những ngày tháng 4 lịch sử…

Theo Báo QDND

Tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 37 năm Ngày giải phóng miền Nam

QĐND - Chủ Nhật, 29/04/2012, 21:3 (GMT+7)
QĐND - Ngày 29-4, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 37 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2012), 126 năm Ngày Quốc tế Lao động (1-5-1886 / 1-5-2012) và đón nhận các danh hiệu, phần thưởng cao quý của Nhà nước. Tới dự có các đồng chí: Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng bí thư; Nguyễn Tấn Dũng, ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Phan Văn Khải, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Lê Thanh Hải, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó chủ tịch nước; Đặng Ngọc Tùng, ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; các đồng chí lão thành cách mạng; các Bà mẹ Việt Nam anh hùng; các tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động cùng đông đảo các đại biểu nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo và các tầng lớp nhân dân thành phố.
Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ trao tặng TP Hồ Chí Minh cờ thi đua dẫn đầu 5 thành phố trực thuộc Trung ươn. Ảnh: Chinhphu.vn

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Lê Hoàng Quân, ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định: Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam với Đại thắng mùa Xuân 1975 vẫn mãi trường tồn. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định hàng đầu cho thắng lợi. Đảng đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, đặc biệt là ý chí và quyết tâm của toàn dân, toàn quân ta tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, giành thắng lợi từng bước tiến tới thắng lợi hoàn toàn. Nhân dân thành phố luôn ghi nhớ công lao, xương máu của bao thế hệ các đồng chí, đồng bào, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, các anh hùng liệt sĩ đã cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. 37 năm qua, Đảng bộ và nhân dân thành phố đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, có những đột phá, cùng cả nước thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và đạt được những thành tựu to lớn. Thành phố luôn giữ vững ổn định chính trị, kinh tế không ngừng phát triển, đời sống nhân dân từng bước ổn định và cải thiện, hệ thống chính trị được củng cố, dân chủ được mở rộng, sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc không ngừng phát huy. Cơ cấu kinh tế thành phố đã chuyển dịch mạnh mẽ trở thành trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế của khu vực và cả nước, đóng góp ngày càng lớn vào quá trình tăng trưởng kinh tế đất nước (chiếm hơn 20% GDP và 1/3 ngân sách của cả nước).

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho 3 tập thể: Tiểu đoàn Bộ binh 3, Trung đoàn Gia Định; Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 268, Phân khu 1 Sài Gòn - Gia Định; Ban Trí vận Mặt trận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định và 6 cá nhân. Đồng thời, Thủ tướng cũng trao Cờ thi đua dẫn đầu khối 5 thành phố trực thuộc Trung ương năm 2011 của Chính phủ tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng trong dịp này, có 5 tập thể, cá nhân được nhận Huân chương Độc lập hạng nhì, ba; 3 cá nhân nhận Huân chương Chiến công hạng nhất, ba; 4 tập thể và cá nhân nhận Huân chương Lao động hạng nhất, nhì. Nhà văn Dương Ngọc Huy (Lê Văn Thảo) nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh; 12 cá nhân được truy tặng, trao tặng Giải thưởng Nhà nước; 15 cá nhân được truy tặng, phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân; 45 nghệ sĩ nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

Theo Báo QDND