Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Những vết lõm trên xe tăng 390


QĐND - Chủ Nhật, 29/04/2012, 20:26 (GMT+7)
QĐND-Càng gần đến ngày 30-4, cựu chiến binh Vũ Đăng Toàn càng thấy khó ngủ. Một niềm hân hoan cứ lặng lẽ tỏa lan trong tâm hồn khiến ông thao thức. Không hạnh phúc sao được khi biết tin chiếc xe tăng 390, “chứng nhân” của sự kiện lịch sử 30-4-1975 mà ông là trưởng xe vừa được Hội đồng Di sản Quốc gia thống nhất đề cử là bảo vật quốc gia. Trong niềm vui lớn, ông đã kể cho chúng tôi nghe những mẩu chuyện chưa ai biết về xe tăng 390. 
Một người, một xe cũng tiến công 
Từ trước đến nay, cả nước đều biết đến kíp xe 390 dưới sự chỉ huy của Chính trị viên Vũ Đăng Toàn đã dũng mãnh lao vào húc đổ cánh cổng chính Dinh Độc Lập, yểm trợ cho Đại đội trưởng Bùi Quang Thận xông lên cắm cờ trên nóc Dinh vào lúc 11 giờ 30 phút trưa ngày 30-4-1975, đánh dấu giờ phút toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Nhưng ít người biết, xe tăng 390 đã có một hành trình “ngang dọc” khắp mọi miền đất nước và cả trên Biển Đông, trải qua nhiều chiến dịch ác liệt với không ít “vết thương” trên “cơ thể” cùng những bí mật riêng mà chỉ những chiến sĩ đã gắn bó máu thịt, từng kề vai sát cánh chiến đấu cùng nó mới biết.
Bác Vũ Đăng Toàn kể rằng: Xe tăng 390 đã đi một cung đường rất dài theo hình đất nước. Ngày 4-12-1971, nằm trong đội hình chiến đấu của Trung đoàn 203, xe tăng 390 hành quân từ Vĩnh Phúc, vượt Trường Sơn vào chiến đấu tại chiến trường Trị Thiên khốc liệt. Sau khi trở thành “chứng nhân” của sự kiện lịch sử 30-4-1975, kíp xe 390 có vinh dự được xếp hàng đầu trong Lễ duyệt binh mừng chiến thắng ngày 15-5-1975 tại TP Sài Gòn, rồi tiếp tục tham gia làm nhiệm vụ tại Huế, Đà Nẵng. Năm 1978, xe 390 lại hòa mình vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế trên nước bạn Cam-pu-chia. Đến năm 1979, xe tăng 390 nhận lệnh lên tàu thủy, vượt biển ra Bắc và tiếp tục chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Có thể nói, trong cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, xe tăng 390 luôn có mặt ở tuyến đầu, luôn ở mũi đột kích, liên tiếp lập nên những chiến công huyền thoại. Hình ảnh xe tăng 390 đã trở thành biểu tượng chiến thắng của Bộ đội Cụ Hồ và lực lượng tăng-thiết giáp.
Cũng vì mải miết cơ động, chiến đấu cùng nhiều thế hệ chiến sĩ khác nhau nên năm 1999, khi đến Bảo tàng Lực lượng Tăng-Thiết giáp thăm lại “người đồng đội mang tên 390”, các cựu chiến binh Vũ Đăng Toàn, Ngô Sĩ Nguyên, Lê Văn Phượng và Nguyễn Văn Tập đã “bị” cán bộ, nhân viên Bảo tàng “thử thách”: “Các bác có khẳng định đây chính là chiếc xe đã cùng các bác húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975 không?”. Cả 4 cựu chiến binh cùng trả lời: “Bây giờ có thể chiếc xe đã được sơn mới nhưng nó đã gắn bó máu thịt suốt chặng đường chiến đấu với chúng tôi thì làm sao chúng tôi có thể quên được. Nếu sườn trái tháp pháo vẫn còn 2 vết lõm, sâu khoảng 1cm; phía trên mặt tháp pháo còn vết lõm dài chừng gang tay. Đó là những vết lõm do xe trúng bom, pháo địch. Nếu vẫn còn thì đúng là xe 390”.
Bác Ngô Sĩ Nguyên bổ sung: “Nếu số tháp pháo được đúc nổi trên sườn trái là 61-T-73, phía trái cửa trưởng xe vẫn là dãy số khắc chìm 73776 thì đích thị là 390, chưa hề thay đổi một chút nào”.
Đại úy Mai Thị Ngọc, Giám đốc Bảo tàng cho hay: “Khi chúng tôi mở cửa đưa các nhân chứng đến "gặp" lại chiếc xe, các bác đã òa khóc vì sung sướng. Từng vết lõm, từng số hiệu trên xe đúng chính xác như các bác nói. Đúng là qua bao nhiêu dâu bể của chiến tranh, xe 390 vẫn được giữ gìn nguyên vẹn”. Còn bác Vũ Đình Toàn xúc động: “Những vết lõm trên xe là chứng tích của những trận đánh khốc liệt, nhất là trong trận tiến công căn cứ Nước Trong ngày 29-4-1975. Trong trận đánh ấy, xe chúng tôi trúng rất nhiều bom, pháo địch. Trong trận này, pháo thủ số 2 Đỗ Cao Trường bị thương, vì thế đồng chí Lê Văn Phượng là Đại đội phó kỹ thuật mới lên thay trong những trận đánh diễn ra ngày 30-4-1975. Xe 390 có thể đã thành than tro khi chúng tôi tiến đến cổng Dinh Độc Lập. Trong thời khắc ấy, xe 843 của Đại đội trưởng Bùi Quang Thận húc vào cổng phụ và bị kẹt lại, nên tôi lệnh cho đồng chí Tập húc thẳng vào cổng chính, dù biết có thể hy sinh. Vì chúng tôi biết địch bảo vệ cổng chính bằng hệ thống điện và mìn chống tăng rất kiên cố. Nhiệm vụ của xe 390 là phải mở cửa để đại quân vào chiếm Dinh Độc Lập. Truyền thống của bộ đội tăng-thiết giáp là “một người, một xe cũng tiến công”. Lúc ra lệnh, tôi chỉ nghĩ đến điều đó”.
Đại úy Mai Thị Ngọc giới thiệu với khách tham quan về một vết lõm trên sườn trái tháp pháo xe tăng 390.
Hành trình trở thành bảo vật quốc gia
Dẫn chúng tôi đi tham quan xe tăng 390, Đại úy Mai Thị Ngọc cho hay: “Xe tăng 390 là niềm tự hào của bộ đội tăng-thiết giáp. Bảo tàng Lực lượng Tăng-Thiết giáp là bảo tàng xe tăng “độc nhất vô nhị” ở khu vực Đông Nam Á, cũng là bảo tàng có nhiều xe tăng nhất trên thế giới nhưng điểm thu hút khách tham quan nhất vẫn là xe tăng 390”.
Hình ảnh xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập đã đi vào lịch sử như một biểu tượng của sức mạnh chiến thắng, mãi mãi in đậm trong tâm khảm các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Tháng 1-2011, Binh chủng Tăng- Thiết giáp nhận được Thông tư số 13/2010 của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, quy định thủ tục công nhận bảo vật quốc gia. Cục Chính trị Binh chủng lập tức giao nhiệm vụ cho Bảo tàng lập hồ sơ khoa học hiện vật cho xe tăng 390. Các nhân chứng lịch sử cùng các cơ quan chức năng đã cung cấp nhiều tư liệu, hiện vật có liên quan. Đặc biệt, số lượng những bài báo, bài viết về sự kiện lịch sử ngày 30-4-1975 của báo chí Việt Nam và thế giới góp phần khẳng định giá trị lịch sử đặc biệt của chiếc xe tăng 390. Qua các kỳ họp, bỏ phiếu công nhận của hội đồng khoa học các cấp, Hội đồng Di sản Quốc gia đã bỏ phiếu thông qua đề cử xe tăng 390 là bảo vật quốc gia với các tiêu chí: Đây là hiện vật gốc, độc bản; là hiện vật ảnh hưởng tích cực đến sự kiện trọng đại của đất nước, biểu tượng cho sức mạnh chiến thắng của dân tộc Việt Nam trong Đại thắng mùa Xuân 1975.
Vậy là, sau 37 năm, xe tăng 390 một lần nữa đem lại cho các thành viên kíp xe cùng đông đảo các cựu chiến binh và nhân dân cả nước một niềm vui mới. Đại úy Mai Thị Ngọc cho hay: “Số lượng du khách quốc tế và trong nước, đặc biệt là các cựu chiến binh và học sinh, sinh viên đến thăm Bảo tàng Lực lượng Tăng-Thiết giáp chắc chắn sẽ tăng lên gấp bội khi xe tăng 390 được công nhận là bảo vật quốc gia. Chúng tôi đã có kế hoạch chu đáo để phục vụ sự kiện này”.
Theo Báo QDND

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét